Dịch thuật là gì? Dịch như nào? Hãy cùng Dịch thuật tiếng trải nghiệm để hiểu hơn về nghề dịch và những biên dịch làm việc tại Dịch thuật Tiếng nhé.
Mặc dù không phải người lái xe nào cũng cần phải hiểu lý thuyết hoạt động của động cơ đốt trong, song chắc hẳn phải có một ai đó biết về điều này. Tôi có thể lái chiếc Pontiac của mình mà không hề biết gì về động cơ đốt trong, cho tới khi chiếc Pontiac bị hỏng. Khi đó, tôi sẽ phải tìm một ai đó (nhiều khả năng là một thợ cơ khí) có đủ hiểu biết để sửa chữa cho chiếc Pontiac hoạt động trở lại.
Điều này cũng đúng đối với lý thuyết dịch. Không phải ai cũng cần biết về lý thuyết dịch, cũng như không phải mục sư và nhà giáo nào cũng cần phải hiểu rõ mọi điều về lý thuyết dịch. Tuy vậy, mục sư và nhà giáo tại các nhà thờ Mỹ vào cuối thế kỷ 20 cần có những hiểu biết nhất định về lý thuyết dịch là vì hai lý do. Thứ nhất, điều đó sẽ ảnh hưởng tới cách chúng ta diễn giải Kinh Thánh cho mọi người. Nếu chúng ta hoàn toàn không hiểu gì về lý thuyết dịch, chúng ta có thể vô tình khiến các anh chị em chúng ta hiểu lầm thông qua lời diễn giải của mình. Thứ hai, có rất nhiều bản dịch tiếng Anh và ở mọi thời đại, không có mục sư nào thoát khỏi những câu hỏi tất nhiên rằng bản dịch nào mới là chuẩn xác nhất.
Tôi không có ý định đưa ra bất kỳ cách tiếp cận phức tạp nào về lý thuyết dịch hay lý thuyết ngữ nghĩa (tôi sẽ đưa ra định nghĩa cho thuật ngữ này sau). Thay vào đó, tôi sẽ nói ngắn gọn về những điểm quan trọng hơn và có thể có ích đối với mục sư.
1. Giao tiếp là một quá trình gồm ba bên.
Lý thuyết dịch có chung một số vấn đề với ngành thường được gọi là lý thuyết giao tiếp. Có lẽ đối với dịch giả, quan sát quan trọng nhất mà các nhà lý luận giao tiếp đã đưa ra chính là sự công nhận rằng mỗi hành động giao tiếp đều có ba chiều: Người nói (hoặc tác giả), Thông điệp, và Khán giả. Càng hiểu rõ về tác giả của bản gốc, về thông điệp thực sự do tác giả đó đưa ra, và khán giả ban đầu bao nhiêu thì chúng ta càng hiểu rõ hơn về hành động giao tiếp cụ thể đó. Việc hiểu rõ tính chất ba chiều này của giao tiếp có thể rất có ích đối với phiên dịch viên. Giả sử như một hành động giao tiếp đang diễn ra ngay lúc này, khi bạn đọc những dòng tôi viết, thì hành động này bao gồm ba phương diện như sau: bản thân tôi, và điều tôi có ý định truyền tải; những câu chữ cụ thể có trên trang này; và nội dung mà bạn hiểu được. Khi ba phương diện này hội tụ, thì hành động giao tiếp đó được coi là hiệu quả.
Nếu chúng ta biết được về hoàn cảnh cụ thể của một tác giả nào đó, có thể là từ một nguồn nào đó khác, những hiểu biết này có thể sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về thông điệp thực sự mà tác giả muốn truyền tải. Một người biết về hoàn cảnh lịch sử khi tác phẩm “Letters from Prison” của Martin Luther King, Jr. được viết ra sẽ hiểu về tác phẩm này hơn những người không hiểu về lịch sử nước Mỹ trong những năm giữa thế kỷ 20. Nếu biết được những thông tin về khán giả mà tác giả đang hướng tới, chúng ta cũng sẽ hiểu hơn về thông điệp được truyền tải. Bài nói chuyện nổi tiếng “Ich bin ein Berliner” của John Kennedy sẽ được hiểu sâu hơn nếu người đọc hiểu về những nỗi lo sợ của người dân Tây Đức đối với chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm đầu 1960 (và khi đã biết người nghe bài nói chuyện này là những người Đức thì chúng ta dễ dàng hiểu vì sao Kennedy lại không dùng tiếng Anh khi nói câu trên!).
Nhận biết được rằng ngoài bản thân thông điệp còn tồn tại hai thành tố khác là tác giả và khán giả, người phiên dịch luôn cố gắng tìm hiểu càng nhiều thông tin về tác giả và khán giả càng tốt. Đó là lý do vì sao các học giả nghiên cứu Kinh Thánh lại dành nhiều thời gian cố gắng xác định hoàn cảnh của một bức thư của sứ đồ truyền giáo cho sẵn; họ đang cố gắng tìm kiếm những thông tin về tác giả và độc giả của bức thư, nhằm hoàn chỉnh thêm hiểu biết về hành động giao tiếp cụ thể được đại diện bởi thông điệp trên.
Tới đây, tôi cần trình bày một lưu ý quan trọng. Đối với những người học tập và nghiên cứu về các tác phẩm văn học mà cả tác giả lẫn độc giả đều không có mặt (vd. đã chết), chúng ta chỉ được tiếp cận trực tiếp với một trong số ba bên tham gia vào quá trình giao tiếp: bản thân thông điệp đó. Mặc dù chúng ta sẽ có lợi nếu được tiếp cận trực tiếp với tác giả và độc giả (“Paul, ý ông là gì khi ông nhắc tới việc rửa tội cho người chết?”; hay “Người Galatian các bạn thấy thế nào khi Paul nói rằng ông ấy ước gì những kẻ gây phiền toái cho ông ấy sẽ tự chịu phép cắt bì?”), sẽ là không phải nếu cho rằng chúng ta cần phải được tiếp cận trực tiếp như vậy thì mới hiểu được thông điệp. Thông thường, ta sẽ gặp phải những khẳng định có tính phóng đại rằng “ta không thể hiểu được một cuốn sách Kinh Thánh trừ phi hiểu được hoàn cảnh của tác giả (hoặc độc giả).” Vấn đề đối với những khẳng định này nằm ở chỗ chúng gián tiếp cho rằng chúng ta không thể hiểu được chút nào nếu không được tiếp cận với những thông tin mà không phải lúc nào cũng tồn tại. Chúng ta không hề biết rằng ai là người đã viết bức thư gửi tới người Do Thái, hay vì lý do gì, ngoài những điều có thể được xác định bằng chính bức thư. Điều này có nghĩa là chúng ta không thể hiểu được nó theo bất kỳ cách nào ư? Tôi không nghĩ vậy. Chúng ta chỉ cần hiểu rằng trong trường hợp này, những thông tin có thể hỗ trợ cho hoạt động diễn giải đang bị thiếu vắng.
Còn một lưu ý khác có liên quan tới lưu ý trên đây. Đối với người Tin lành, bản thân thánh kinh được gán cho thẩm quyền riêng. Theo cách hiểu của tôi về thần học Tin lành, sự tái hiện lại của chúng ta, thường bị phụ thuộc vào ảnh hưởng của hoàn cảnh lịch sử khi các tài liệu kinh thánh này được viết và được đọc, không có thẩm quyền đó. Những tái hiện này có thể giúp chúng ta hiểu được văn bản kinh thánh, nhưng bản thân chúng không sở hữu bất kỳ thẩm quyền tôn giáo nào.
Cuối cùng, ta nên nói thêm rằng những lỗi sai cơ bản của nhiều lý thuyết có tính luận bình chính là việc những lý thuyết này không xét tới một hoặc hai trong số ba yếu tố nói trên. Mặc dù nhiều cuộc tranh luận quan trọng vẫn tiếp tục tác động lên lý thuyết diễn giải, sự đánh giá của chúng ta về những cuộc tranh luận này sẽ trở nên có giá trị hơn nhiều nếu chúng ta biết duy trì vai trò cho từng phương diện trong số ba phương diện như đã nói ở trên.
2. Tương đương khuôn mẫu và tương đương động
Một trong số những tranh luận đang tiếp diễn về dịch thuật xoay quanh câu hỏi liệu bản dịch có nên phản ánh ngữ pháp, hay hình thức của ngôn ngữ gốc hay không, và nếu có thì ở mức độ nào là phù hợp. Toàn bộ cộng đồng dịch thuật đều thống nhất rằng bản dịch nên phản ảnh trung thực thông điệp gốc, nhưng không phải ai cũng có câu trả lời như nhau trước câu hỏi liệu bản dịch có cần bám sát vào cấu trúc ngữ pháp của ngôn ngữ gốc hay không.
Các bản dịch có thể được đặt trên một phổ, trong đó một thái cực là bám sát chặt chẽ vào cấu trúc của ngôn ngữ gốc (tương đương khuôn mẫu), và thái cực còn lại là hoàn toàn bỏ qua cấu trúc (không phải thông điệp) của ngôn ngữ gốc (tương đương động). Kinh Thánh song ngữ dòng xen dòng sẽ là ví dụ gần nhất với thái cực đầu tiên, sau đó là NASB. Ở thái cực còn lại sẽ là NEB và TEV. Ở giữa sẽ là RSV và NIV, với RSV nghiêng nhiều hơn về phía tương đương khuôn mẫu, còn NIV nghiêng nhiều hơn về phía tương đương động.
Có thể nói rằng hầu hết các nhà ngôn ngữ học đương đại đều ưa chuộng cách tiếp cận tương đương động trên lý thuyết, song họ có thể sẽ cảm thấy thất vọng với những nỗ lực nhằm tạo ra bản dịch theo hướng tiếp cận này. Lý do để một dịch giả muốn tái hiện lại ý nghĩa của bản gốc mà không tuân theo cấu trúc của nó chính là do mọi ngôn ngữ đều có ngữ pháp của riêng nó. Mặc dù ngữ pháp của một ngôn ngữ có thể tương đồng với ngữ pháp của các ngôn ngữ khác, song nó cũng có những khác biệt. Do đó, nếu cố gắng bám chặt vào ngữ pháp khuôn mẫu của một ngôn ngữ khác, chúng ta sẽ tạo ra những cấu trúc bất thường hoặc gây khó hiểu, nếu không muốn nói là rối loạn hoàn toàn trong ngôn ngữ đích.
Chẳng hạn, người Hy Lạp thường sử dụng những câu rất dài, các mệnh đề trong câu được sắp xếp theo một trật tự logic. Điều này có nghĩa là sẽ có một số mệnh đề phụ thuộc được kết nối với một mệnh đề độc lập. Loại cấu trúc câu này là hoàn toàn bình thường trong tiếng Hy Lạp, được gọi là cấu trúc phụ thuộc (các mệnh đề được sắp xếp một cách logic theo thứ tự từ trên xuống). Trái lại, tiếng Anh lại không chuộng các câu dài, và không đưa ra phương pháp đơn giản nào để xác định mệnh đề nào phụ thuộc vào mệnh đề nào. Cấu trúc câu của tiếng Anh được gọi là cấu trúc đồng đẳng (các mệnh đề được sắp xếp theo trình tự logic ngang bằng với nhau). Nếu ta cố gắng dùng tiếng Anh để tái hiện những câu có độ dài ngang bằng với câu gốc trong tiếng Hy Lạp, độc giả sẽ không thể theo dõi được bản dịch của chúng ta. Chẳng hạn, Ephesians 1:3-14 là một câu hoàn chỉnh trong tiếng Hy Lạp, với các mệnh đề phụ được xác định rất rõ ràng. Nếu chúng ta cố gắng tái hiện một câu có độ dài tương đương trong tiếng Anh, kết quả sẽ rất kỳ quặc đến mức sẽ chỉ có rất ít, thậm chí là chẳng có độc giả tiếng Anh nào có thể hiểu được nó cả. Do đó, dịch giả buộc phải bẻ gãy các câu dài trong tiếng Hy Lạp thành những câu ngắn hơn trong tiếng Anh.
Đối với mục sư và nhà giáo, việc nhận biết cấu trúc phụ thuộc của ngôn ngữ gốc là rất quan trọng, bởi điều này thường có ý nghĩa về thần học và đạo đức. Chẳng hạn, chỉ có một thể mệnh lệnh (mệnh đề độc lập) duy nhất trong Đại Mạng Lệnh – “make disciples.” Tất cả những động từ khác đều là phụ thuộc. Những mệnh đề khác giúp mô tả ý nghĩa của điều răn. Tuy nhiên, hầu hết các bản dịch tiếng Anh đều lược bỏ vấn đề này khi dịch Đại Mạng Lệnh như một chuỗi các thể mệnh lệnh tương đương. Không chỉ vậy, các dịch giả thường xử lý một trong số những mệnh đề phụ như thể nó là mệnh đề chính (độc lập) (“Go”). Do đó, mục sư và nhà giáo cần phải hiểu điều gì đang diễn ra trong cấu trúc của ngôn ngữ gốc mà không nhất thiết phải cố gắng tái hiện lại nó trong bản dịch tiếng Anh.
Giữa hai ngôn ngữ còn có những khác biệt khác. Tiếng Hy Lạp thường sử dụng động từ bị động, tiếng Anh lại ưa dùng động từ chủ động. Tiếng Hy Lạp thường tạo danh từ từ động từ (“sự cứu rỗi” và “cứu rỗi” phổ biến như nhau). Người dùng tiếng Anh lại không mấy thoải mái với sự trừu tượng hóa này; họ cảm thấy thoải mái hơn khi dùng động từ. Một bản dịch tương đương động thường sẽ tái hiện ý nghĩa của câu tiếng Hy Lạp bằng một cách thức nào đó tự nhiên hơn trong tiếng Anh. Chẳng hạn như trong 2 Thess 2:13, pistei aletheias được RSV dịch là “belief in the truth” (tương đương khuôn mẫu), nhưng lại được NEB dịch là “the truth that you believe” (tương đương động). Bản dịch thứ hai, dù độ chính xác không hơn so với bản thứ nhất, song lại tự nhiên hơn, và do đó dễ hiểu hơn.
Một ví dụ kinh điển về sự khác biệt giữa ngữ pháp tiếng Anh và tiếng Hy Lạp được thể hiện qua sự khác biệt trong việc sử dụng phân từ của từng ngôn ngữ. Trước hết, phân từ trong tiếng Hy Lạp được sử dụng phổ biến hơn nhiều so với trong tiếng Anh. Nhưng cách sử dụng phân từ tiếng Hy Lạp cũng khác so với phân từ tiếng Anh. Tiếng Hy Lạp thường triển khai phân từ theo hình thức thuộc ngữ, giống như một tính từ thuộc lời. Điều này rất hiếm gặp trong tiếng Anh. James Taylor đúng là có hát về “The Walking Man,” song hiện tượng này hiếm khi xuất hiện ngoài các biểu hiện nghệ thuật. Chúng ta thường đưa ra một mệnh đề quan hệ: “the man who walks.” Vì những khác biệt trong việc sử dụng phân từ trong hai ngôn ngữ, trong nhiều trường hợp, chúng ta không thể chỉ đơn giản dịch một phân từ tiếng Hy Lạp sang một phân từ tiếng Anh mà không khiến bản dịch trở nên khó hiểu hay mơ hồ. Dikaiothentes trong Romans 5:1 không nên dịch là “having been justified” (NASB: tương đương khuôn mẫu), mà nên dịch là “since we are justified” (RSV: tương đương động).
Tuy nhiên, bản dịch tương đương động cũng có nhiều vấn đề. Vì dịch giả được “giải phóng” nhiều hơn khỏi những cấu trúc ngữ pháp của ngôn ngữ gốc, do đó anh ta sẽ dễ vượt qua giới hạn của bản dịch chính xác trong nỗ lực diễn đạt một cách tự nhiên hơn bằng ngôn ngữ bản địa. Điều này có nghĩa là các bản dịch tương đương động có thể sẽ tự nhiên và chính xác hơn so với các bản dịch tương đương khuôn mẫu, song chúng cũng có nhiều khả năng bị thiếu chính xác hơn. Chẳng hạn, trong Romans 8:3, Paul dùng cụm từ: dia tes sarkos. Bản dịch tương đương khuôn mẫu RSV biến đổi cụm này thành “by the flesh” – cụm này sát với bản gốc nhưng lại có phần mơ hồ trong tiếng Anh. NIV lại biến đổi cụm này một cách chi tiết hơn nhiều bằng cụm từ “by the sinful nature.” Có điều, trong trường hợp này, bản dịch của NIV lại thiếu chính xác, bởi ở đâu Paul không nói tới bản chất thấp kém hay tội lỗi. Trên thực tế, Paul không nói trên phương diện nhân chủng học, mà là cứu rỗi trên phương diện lịch sử. Trong trường hợp cụ thể này, tôi cho rằng chúng ta thà sử dụng từ “flesh” mơ hồ và buộc phải đặt ra câu hỏi rằng ‘xác thịt’ có ý nghĩa như thế nào với Paul, còn hơn là sử dụng một cụm từ chi tiết hơn nhưng hoàn toàn không hề theo ý Paul như “sinful nature.”
Một vấn đề khác được liên hệ với các bản dịch tương đương động có liên quan tới việc sử dụng chúng trong nghiên cứu Kinh Thánh. Vì một từ cho sẵn có thể có nhiều ý nghĩa khác nhau, nên việc cố gắng dịch một từ tiếng Hy Lạp cho sẵn nào đó bằng từ tiếng Anh giống hệt như vậy trong mọi trường hợp là điều không thể, và thường gây bối rối. Do đó, bản dịch tương đương động có thể chuyển biến một cách cụ thể hơn sang tiếng Anh, vì không bị ràng buộc bởi nỗ lực tái hiện đúng từ tiếng Hy Lạp đó theo cách hoàn toàn tương tự trong tiếng Anh. Điều này thường giúp tăng độ dễ hiểu cho từng câu hoặc mệnh đề riêng biệt. Tuy vậy, nó không cho phép độc giả tiếng Anh biết được khi nào thì cùng một từ tiếng Hy Lạp đứng sau hai từ tiếng Anh khác nhau. Vì cách duy nhất để biết được ý nghĩa của một từ là phải trực tiếp xem xét toàn bộ phạm vi tình huống sử dụng của nó, nên không có cách nào để độc giả tiếng Anh biết được những từ nào đứng đằng sau các từ tiếng Anh mà họ đọc được.
Chẳng hạn, khi Paul nói rằng ông không thể gọi người Corinth là pneumatikoi, mà là sarkinoi (1 Cor 3), ông đã sử dụng các hình thức tính từ của những gì chúng ta thường dịch là “Spirit” (“Thánh Linh”) và “flesh” (“xác thịt”). Ngoài ra, trong Romans 8 (cũng như những văn bản khác), ta thấy rõ rằng cuộc sống trong Thánh Linh là cuộc sống được cứu rỗi; còn cuộc sống trong xác thịt là cuộc sống chưa được cứu rỗi. Nếu các tính từ trong 1 Cor được dịch là “spiritual” và “fleshly”, độc giả có thể nhìn thấy sự tương ứng với các đoạn khác do Paul viết, và hiểu rằng Paul về cơ bản đang muốn nói rằng “Tôi không thể gọi các bạn là những người được cứu rỗi, mà là những người chưa được cứu rỗi.” Tuy nhiên NIV lại dịch sarx là “sinful nature” trong Rom 8, và sarkinos là “worldly” trong 1 Cor 3, và như vậy độc giả của bản dịch này sẽ không hiểu được rằng bản gốc sử dụng cùng một cấu trúc gốc cho hai từ này. Kết luận ở đây chính là bản dịch tương đương động, khi được thực hiện tốt, sẽ chuyển biến bản gốc thành những cách diễn đạt bằng tiếng Anh cụ thể và sinh động hơn. Tuy nhiên, làm như vậy sẽ khiến cho việc so sánh các đoạn riêng rẽ với các đoạn song song ở nơi khác trở nên khó khăn hơn.
Trong bất kỳ giáo đoàn nào, sẽ có nhiều bản dịch được đưa ra. Những nhà giáo của nhà thờ phải có đủ trình độ để đánh giá xem bản dịch nào thể hiện được bản gốc chính xác hơn bằng tiếng Anh trong các trường hợp. Theo đánh giá của tôi, không có bản dịch đương đại nào tốt hơn một cách rõ rệt so với các bản khác. Mỗi bản dịch đều là một hỗn hợp của những điểm mạnh và điểm yếu các nhau, do sự khó khăn của công việc này.
Dĩ nhiên, đối với nhà thuyết giáo, một số phiên bản có thể dễ dàng được lọc bỏ. Diễn giải, mặc dù rất hữu ích trong việc thể hiện một quan điểm, song không thể được sử dụng như văn bản thuyết giáo căn bản, bởi những diễn giải này phần nhiều phản ánh quan điểm của người diễn giải. Ngoài ra, Kinh Thánh dành cho trẻ em, chẳng hạn như kinh Good News, và ở một mức độ nhất định là kinh NIV không nên được sử dụng như thuyết giáo căn bản hướng tới toàn bộ giáo đoàn. NASB cũng không nên được sử dụng, đơn giản vì tiếng Anh trong bản dịch này rất tồi tệ. Sự bám sát đến cứng nhắc của nó với nguyên tắc tương đương khuôn mẫu, dù khiến cho nó trở nên hết sức hữu dụng trong nghiên cứu, song đồng thời cũng khiến nó trở nên hoàn toàn không phù hợp với hoàn cảnh mà trong đó giao tiếp là rất quan trọng.
Theo đánh giá của tôi, người thuyết giảng hông nên sử dụng NIV, bởi đây là một bản dịch có tính giáo phái. Chính bản dịch cũng tự nhận là một bản dịch “Phúc Âm,” đã lược bỏ những phần không Phúc Âm trong quá trình dịch. Do đó, bản dịch này không thể được các tu sĩ chấp nhận (nó loại trừ ngay từ đầu những người không tự nhận mình là “tín đồ Phúc Âm,” giống như bản dịch Kingdom loại trừ những người không tự nhận mình là Nhân chứng Jehovah). Trên thực tế, ngay cả với mục đích nghiên cứu, ta cũng cần tỏ ra cẩn trọng với những thiên kiến Phúc Âm được phản ánh trong bản dịch này, khi những điểm yếu cũng như điểm mạnh của Phúc Âm chưa được một hội đồng “bao quát” hơn bù đắp lại.
Cụ thể, NIV cho thấy nhiều dấu hiệu của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa thức tỉnh (Tôi đang đề cập tới NIV Tân ước; tôi vẫn chưa có dịp đánh giá NIV Cựu ước một cách kỹ lưỡng). Cùng với đó, NIV lại là tài liệu lý tưởng cho mục sư nghiên cứu, bởi đây là một bản dịch thể hiện tốt nhu cầu về bản dịch tương đương động, và nó cũng rất thành công ở nhiều điểm. RSV phản ánh tầm hiểu biết của nhà thờ, một phong cách ngôn ngữ Anh cao cấp hơn, và là một sự thể hiện văn bản gốc tương đối chính xác hơn, có lẽ sẽ là tài liệu lý tưởng cho nhà thuyết giảng.
3. Biên dịch là một nhiệm vụ thần học
Chúng ta ngày càng thấy rõ rằng dịch thuật không thể thực sự được thực hiện trong môi trường không có sự tồn tại của thần học. Khi xuất hiện những phương án ngôn ngữ khác nhau, các yếu tố thần học có thể tác động lên quyết định chọn phương án này thay vì phương án khác. Trên thực tế, những yếu tố này nên ảnh hưởng tới bản dịch. Giải pháp cho vấn đề dịch thuật về cách dịch từ telos trong Romans 10:4 đã được tìm ra chủ yếu nhờ việc giải đáp những câu hỏi lớn hơn về tư tưởng thần học của Paul; cách ông hiểu về mối quan hệ giữa thánh kinh cũ với biến cố Christ, vân vân. Vì tư tưởng thần học là do Kinh Thánh xác định, và vì công việc dịch thuật Kinh Thánh phần nào được xác định bởi những cân nhắc liên quan tới thần học, nên chúng ta dễ dàng nhận thấy ở đây tồn tại một vòng lặp. May thay, đây không phải là một vòng lặp luẩn quẩn, bởi nếu ta sẵn sàng thông cảm đón nhận một loạt các phương án khác nhau, ta có thể tự tin hơn khi đánh giá một bản dịch cho trước. Tuy nhiên, ta không được ngộ nhận rằng dịch thuật là một bước “tiền luận kinh” hay “tiền diễn giải.” Bước diễn giải đầu tiên chính là biên dịch. Bước này sẽ tác động tới tất cả các bước sau đó, vì vậy ta cần tiếp cận công việc này với toàn bộ trang bị về công cụ thần học.
Lý thuyết ngữ nghĩa
Giờ là lúc thích hợp để chuyển sang xem xét tới việc xử lý nghĩa của các từ đơn lẻ (thường được gọi là từ vựng ngữ nghĩa học). Từ vựng trong tay một người giảng đạo quá mơ mộng có thể trở thành thứ nguy hiểm nhất trong tất cả các công cụ của loài người. Khi xét về tỷ lệ phần trăm đơn thuần, những lời thuyết giảng vô nghĩa xuất phát từ những hiểu nhầm đối với cách thức thể hiện ý nghĩa của các từ có tỷ lệ lớn nhất so với bất kỳ lỗi thuyết giảng nào khác. Từ khi ngành nghiên cứu kỹ thuật trong ngôn ngữ học bắt đầu phát triển vào đầu thế kỷ mười chín, các nhà ngôn ngữ học đã phát hiện ra những hiểu biết rất có giá trị. Sau đây là nỗ lực trong việc đưa ra một số những hiểu biết có giá trị nhất dành cho những người muốn giảng dạy và thuyết giáo một cách trung thực nhất.
1. Trường nghĩa và bối cảnh
Hầu hết các từ đều có thể có những ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn như từ “run” trong tiếng Anh. Từ này có thể xuất hiện trong các bối cảnh sau đây (và còn nhiều hơn nữa):
The athlete is running.
Her nose is running.
We scored a run in the sixth inning.
I have a run in my stocking.
Does your car run?
My computer runs on Windows.
For how long is the movie running?
You want to run that by me again?
His sermons seem to run on forever.
She’s running the flag up the pole.
Jackson is running for President.
Who left the water running?
Vậy là đủ rồi. Rõ ràng hầu hết các từ đều có thể biểu hiện một loạt những sự vật, sự việc khác nhau. Làm sao chúng ta biết được ý nghĩa của một từ trong một hoàn cảnh cho sẵn nào đó? Dĩ nhiên, chúng ta không thể chỉ chọn ý nghĩa mà chúng ta thích. Trên thực tế, có hai thành tố cấu thành ý nghĩa: trường nghĩa và bối cảnh ngữ nghĩa.
Khi nói tới trường nghĩa, ta nói tới toàn bộ phạm vi mà từ đó đã được và có thể được sử dụng (trên đây là ví dụ về một phần trường nghĩa của từ “run”). Bằng việc xem xét “trường” những ý nghĩa có thể có, chúng ta bắt đầu thu hẹp các phương án lại. Thông thường, sẽ vẫn còn lại rất nhiều phương án, do đó chúng ta vẫn phải thực hiện thêm một bước nữa. Bước thứ hai là xác định bối cảnh ngữ nghĩa. Chẳng hạn, nếu “run” có thể đề cập tới sự vận động nhanh của hai chân trong một số bối cảnh, thì chúng ta có thể loại bỏ những phương án trong các bối cảnh không xuất hiện chân hay bàn chân. Nếu “run” có thể có nghĩa là “chảy” hay “nhỏ giọt”, thì đó có thể là cách hiểu trong hoàn cảnh xuất hiện mũi hoặc có vòi nước, nhưng không phải trong những hoàn cảnh không xuất hiện nước. Trong lời nói hàng ngày, chúng ta thực hiện phương pháp so sánh với bối cảnh ngữ nghĩa này một cách vô thức với tốc độ nhanh đến mức chúng ta thường không hề nhận thức được rằng mình đang làm vậy. Nhưng chúng ta vẫn làm vậy, và thường xuyên làm vậy với độ chính xác rất cao. Chúng ta nhất thiết phải làm điều tương tự đối với các tác phẩm thánh kinh. Không có từ nào mang theo toàn bộ trường nghĩa của mình vào bất kỳ bối cảnh cho trước nào. Tuy vậy, vẫn có rất nhiều câu thuyết giảng dài dòng hoa mỹ cố gắng thực hiện chính điều này.
2. Ý nghĩa “gốc”
Rất nhiều người nhắc tới cụm từ “ý nghĩa gốc.” Rất nhiều người nói về ma quỷ. Cả hai điều này đều không tồn tại. Dường như khi nói về ý nghĩa “gốc” của từ ngữ, họ đang cố gắng tìm ra tinh chất cô đọng, hay phạm vi ngữ nghĩa chung của từ ngữ trong mỗi bối cảnh của nó. Điều này có thể đúng trong một số hoàn cảnh do may mắn, nhưng sẽ không đúng đối với hầu hết các từ. Ý nghĩa “gốc” chung nào có thể giải thích được cho những cách sử dụng được liệt kê trên đây? Đó có phải là cử động không? Có thể, trong trường hợp của vận đông viên, lá cờ, hay thậm chí chiếc mũi (bản thân nó không vận động, nhưng cái bên trong nó thì có). Nhưng có “cử động” nào liên quan tới việc một ai đó đang định tranh cử hay không? Có cử động nào xảy ra khi một bộ phim được trình chiếu trong sáu tuần không? Một đường rách trên tất giấy có phải là cử động theo một cách nào đó không? Bản thân tôi không nhận thấy điều này, nếu không phải định nghĩa lại từ “cử động” để bao hàm gần như mọi thứ. Và nếu làm như vậy thì chúng ta vẫn không học được điều gì cụ thể về từ ngữ đang được nói tới (Đây chính là sự thiếu hiệu quả thực tế của cách tiếp cận Phân tích Thành phần đối với Ngữ nghĩa học; nếu một người tìm thấy một yếu tố đủ chung để có thể liên hệ với tất cả các cách sử dụng của từ, thì yếu tố này lại không đủ chi tiết để giúp ích được bất kỳ điều gì trong bất kỳ bối cảnh cho trước nào). Trên thực tế, chúng ta thực sự không hiểu vì sao con người lại sử dụng từ ngữ với phạm vi rộng như vậy. Tuy nhiên, câu trả lời chắc chắn không nằm trong việc có tồn tại một thứ ý nghĩa “gốc” nào đó chung cho tất cả các cách sử dụng. Do đó, để thuận lợi cho việc diễn dịch, tốt hơn cả chúng ta không nên đề cập tới ý nghĩa “gốc.” Hãy nhìn vào toàn bộ trường nghĩa, sau đó giới hạn trường này bằng những điều kiện về bối cảnh.
Điều này không có nghĩa là không có sự giống nhau nào trong các cách sử dụng của một từ nào đó. Quay trở lại với từ “run,” chúng ta có thể xác định một vài trường “con.” Chúng ta thấy rằng “run” được dùng cho các loại chất lỏng, nhằm diễn tả rằng chất lỏng này đang chảy. Chúng ta thấy “run” được dùng cho các loại máy, nhằm diễn tả rằng máy móc đang hoạt động đúng như nó được thiết kế. Chúng ta có thể thấy từ này được sử dụng để đề cập tới việc đưa một chân lên phía trước chân kia liên tục, lặp đi lặp lại một cách nhanh chóng để nói về vận động viên, và mở rộng ra là những lần “run” trong các trận bóng chày (một từ nói tắt dùng để chỉ việc một cầu thủ chạy quanh các gôn). Song các lĩnh vực này có vẻ như không có liên quan tới nhau, ngoài ra cũng không giải thích được trường hợp của tất giấy hay lá cờ. Có lẽ chúng ta chỉ nên mang ý nghĩa “gốc” ra xem mỗi năm một lần, vào ngày 31 tháng 10, rồi lại cất đi trong suốt những tháng còn lại trong năm.
3. Từ nguyên học và thay đổi ngữ nghĩa
Từ nguyên học là một ngành nghiên cứu rất có giá trị. Từ nguyên học nghiên cứu lịch sử sử dụng của một từ. Ngành nghiên cứu này mang lại lợi ích về mặt lịch sử khi thể hiện cho chúng ta thấy một từ có thể có ý nghĩa gì trong một thời kỳ nhất định. Dĩ nhiên, một trong số những điều mà các nhà từ nguyên học phát hiện ra chính là từ ngữ thay đổi theo thời gian. Điều này có nghĩa là con người ngày càng sử dụng từ ngữ theo nhiều cách phong phú hơn, mở rộng những cách dùng đã biết và tạo ra những cách dùng mới. Do đó, lịch sử sử dụng của một từ chưa chắc sẽ giúp ích được gì trong việc xác định ý nghĩa của nó trong một bối cảnh nhất định. Và dĩ nhiên điều này cũng không có nghĩa là ý nghĩa “đầu tiên” được biết đến sẽ là ý nghĩa “đích thực,” “thật,” hay “gốc.” Chẳng hạn, từ “gay” có nghĩa là “hạnh phúc” hoặc “vô tư” tại một số vùng trong một số thời đại. Nó rõ ràng không có ý nghĩa như vậy ở San Francisco ngày nay. Đừng nhầm tưởng; “happy hour” tại một quán bar “gay” có thể là một trải nghiệm hết sức khổ sở đối với một người dị tính không uống rượu.
Người diễn dịch thánh kinh không đặc biệt quan tâm tới ý nghĩa của một từ nào đó vào thời đại cách thời điểm sử dụng từ hàng vài thế kỷ. Thay vào đó, người diễn dịch thánh kinh muốn biết phạm vi ngữ nghĩa của từ ngữ đó trong thời gian sử dụng của nó. Từ nguyên học không thực sự hiệu quả trong việc định hướng tìm ra ý nghĩa của một từ nào đó trong một bối cảnh cho trước. Bối cảnh ngữ nghĩa mới là định hướng đáng tin cậy hơn.
4. Đa nghĩa
Bạn có thể thi thoảng bắt gặp thuật ngữ này, do đó bạn cũng nên biết về ý nghĩa của từ này. “Đa nghĩa” đề cập tới khả năng sở hữu một số lượng ý nghĩa khác nhau trong bất kỳ một thời kỳ lịch sử nào đó của một từ cho trước. “Run” là một từ đa nghĩa. Người diễn dịch cần phải nhận thức được đầy đủ phạm vi ngữ nghĩa có thể có của một từ nào đó trước khi xác định xem nó có nghĩa gì trong bối cảnh đã cho.
5. Từ ngữ và khái niệm
Để rõ ràng hơn, ta nên phân biệt giữa một từ và một khái niệm. Hầu hết các từ đều có thể được sử dụng để đề cập tới một số khái niệm, và hầu hết các khái niệm đều có thể được thể hiện thông qua một loạt các từ ngữ. Do đó, charis là một từ; còn ân điển là một khái niệm có thể được diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau. Do đó, nếu bạn muốn nghiên cứu “Ân điển của Chúa trời trong Tân ước,” bạn sẽ bổ sung thêm không chỉ những nghiên cứu từ vựng về charis, mà còn cả những đoạn kinh trong đó nói về những hành động ân đức của Chúa mà không nhắc tới từ ngữ cụ thể đó. Chẳng hạn, dụ ngôn người làm công trong vườn nho thể hiện ân điển của Chúa, khi những người tới muộn vào cuối ngày cũng nhận được phần thưởng ngang bằng với những người đã làm việc cả ngày. Chúa ban ân điển, trao lại vương quốc không chỉ cho người Do Thái mà còn cho dân ngoại, những người tới hơi muộn, có thể được cứu rỗi – xét trên phương diện lịch sử.
6. “Chủ nghĩa tối thiểu” ngữ nghĩa
Một trong số những tiên đề hay nhất để áp dụng khi cố gắng tìm ra ý nghĩa của một từ cho trước nào đó được đúc kết trước tiên bởi Ferdinand de Saussure và các học trò của mình. Ý nghĩa chuẩn xác nhất của một từ ngữ cho trước chính là ý nghĩa đóng góp ít nhất cho ý nghĩa chung của cả câu. Trong hầu hết các hành động giao tiếp, chúng ta không “chất” lên một từ nào đó rất nhiều ý nghĩa. Thay vào đó, chúng ta thường trình bày theo từng đoạn và từng câu – bản thân những từ ngữ riêng rẽ mang theo ít ý nghĩa, nhưng lại nói lên nhiều ý nghĩa khi được ràng buộc với nhau. Rất nhiều học sinh trường đạo và người thuyết giáo có vẻ không nhận thức được điều này, vì họ thường xuyên diễn dịch Kinh Thánh như thể từng từ riêng rẽ trong đó gần như là có phép thần tiên, mang theo những sự thật và những bí ẩn lớn chỉ trong vòng sáu hay bảy chữ cái. Có rất ít thuật ngữ kỹ thuật trong bất kỳ ngôn ngữ nào; những từ ngữ này được “chất” lên nhiều ý nghĩa hơn hầu hết các từ ngữ.
Kết luận
Nếu nói một cách ngắn gọn về kết quả nghiên cứu ngôn ngữ học trong vòng vài thế hệ gần đây, ta chắc chắn không thể không nói tới tầm quan trọng của bối cảnh. Các nhà ngôn ngữ học đã hết lần này đến lần khác giúp chúng ta nhận thức được rằng đơn vị giao tiếp cơ bản là câu chứ không phải là từ. Từng từ riêng rẽ, bị tách ra khỏi bối cảnh của một câu, rất hiếm khi giao tiếp hiệu quả được. Các từ ngữ liên kết với nhau, hỗ trợ và diễn giải lẫn nhau, có thể giao tiếp rất hiệu quả. Đối với những người nghiên cứu thánh kinh, điều này có nghĩa là chúng ta cần phải xem xét tới những dạng thống nhất lớn hơn của giao tiếp (câu và đoạn) một cách nghiêm túc, ít nhất là ngang bằng với cách chúng ta xem xét các từ đơn lẻ. Chúng ta cần nhận thức được rằng một từ cho trước có thể đề cập tới một loại những điều khác nhau trong những bối cảnh khác nhau.
Bản thân tôi, tôi muốn đọc thêm nhiều bài giảng về cả một chương thánh kinh, thậm chí cả một quyển, và bớt đi những bài giảng về một đoạn ở chỗ này hay chỗ kia. Nếu một người có thể nói một cách súc tích trong vòng 20 phút về toàn bộ Romans 1-11, thì anh ta chắc hẳn sẽ có thể xử lý được Romans 6:3 nếu cần. Nếu sự nhấn mạnh về bối cảnh trong ngôn ngữ học đương đại có thể giúp chúng ta nhìn thấy “cả khu rừng” của một cuốn thánh kinh, thay vì từng “cái cây” ứng với từng từ ngữ riêng lẻ, thì đó chính là điều giúp ích rất nhiều cho chúng ta và cho vương quốc của Thiên Chúa.
Giáo sư T. David Gordon, quê quán ở Richmond, VA, hiện là Giáo sư Tôn giáo học và Hy Lạp học tại Cao đẳng Grove City ở Grove City, PA, nơi ông bắt đầu làm việc từ năm 1999. Trước đó, giáo sư đã từng giảng dạy trong vòng mười ba năm tại Trường dòng Thần học Gordon-Conwell.